HƯỚNG VỀ KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG THÂN YÊU: Miền Trung Việt Nam “lũ chồng lũ” trong bối cảnh BĐKH

Thứ sáu - 16/10/2020 01:10
HƯỚNG VỀ KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG THÂN YÊU: Miền Trung Việt Nam “lũ chồng lũ” trong bối cảnh BĐKH

Miền Trung Việt Nam “lũ chồng lũ” trong bối cảnh BĐKH

Trong những ngày qua, những trận mưa lớn dồn dập, kéo dài đã đổ xuống dải đất miền Trung Việt Nam. Ghi nhận số liệu từ ngày 5/10 đến ngày 11/10 tại các trạm quan trắc ở miền Trung cho thấy, tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh như sau: Hà Tĩnh, Bình Định từ 350 - 450 mm; Quảng Bình từ 400 - 600 mm; Quảng Ngãi từ 500 - 800 mm; Quảng Trị, Đà Nẵng từ 800 - 1.000 mm; Quảng Nam từ 900 - 1.200 mm; đặc biệt tại Thừa Thiên Huế từ 1.300 - 1.700 mm. Mưa lớn đã gây nên lũ trên các sông từ Hà Tĩnh – Quảng Nam ở mức cao, nhiều sông trên báo động 3, tình trạng ngập sâu kéo dài ở nhiều địa phương. Về nguyên nhân của đợt mưa lũ này, theo nhận định của ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đó là do sự tác động đồng thời cộng  hưởng của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động vùng áp thấp từ biển Đông. Đây cũng là hình thế thời tiết gây mưa lớn điển hình ở miền Trung trong những năm trước đây.

“Lũ chồng lũ”, đến sáng 11/10, cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền trên tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Đến ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa rất to tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 700mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm, Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm. Đợt mưa này đã khiến mực nước trên các sông khu vực này phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3, riêng các sông ở Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai lên mức BĐ2-BĐ3.

Thành phố Huế chìm trong lũ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) thì đến 17h30’, ngày 12/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã làm 23 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 8 người, Thừa Thiên Huế 3 người, Đà Nẵng 1 người, Quảng Nam 4 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người). Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 18 người đang mất tích (Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên Huế 3 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 2 người, Quảng Ngãi 3 người, Gia Lai 1 người). Lũ lớn làm trên 100.000 nhà dân ở 6 tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.Mưa lớn, lũ chồng lũ làm bao gia đình ở nơi đây rơi vào cảnh tang thương mất người, hàng ngàn hộ dân thiệt hại nặng nề do nhà bị ngập đến mái, hư hỏng hoặc đổ sập, hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu, khu nuôi trồng thuỷ sản bị ngập nước, lũ cuốn trôi…

http://www.gasshipping.com.vn/Data/Sites/1/News/125/2.jpg\

Người dân Quảng Trị chèo thuyền sơ tán khỏi vùng ngập

 Ảnh: http://www.gasshipping.com.vn/

Theo ông Khiêm, bão lũ miền trung năm nay sẽ chưa dừng lại. “Năm 2020, khí quyển chuyển sang trạng thái La Nina, do đó sẽ là một năm thiên tai, bão lũ rất phức tạp. Từ giờ đến cuối năm, khu vực miền Trung Việt Nam sẽ còn nhiều trận mưa lũ dồn dập và kéo dài”, ông Khiêm nhận định.

Vùng duyên hải miền Trung vốn là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai ở Việt Nam. Qua thực tiễn cho thấy đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng ít nhất của 8 loại hình do thiên tai, hiểm họa gây ra bao gồm: Bão, lũ (kể cả lũ quét), lụt, hạn hán, sạt lở đất, lốc, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông. Với đặc điểm địa hình cấu tạo bởi một dải đất nằm giữa dãy Trường Sơn về phía Bắc, vùng cao Nguyên Nam Trung Bộ về phía Nam, và Biển Đông, dải đất bị chia cắt bởi nhiều nhánh núi Trường Sơn vươn ra đến tận biển nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Bờ biển vùng duyên hải miền Trung dài 1200 km, với dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh, các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.

Hiện nay, ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu như sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng, diễn biến của khí hậu ngày càng khắc nghiệt không còn là chuyện của thế giới, của những nhà khoa học mà nó đang trở thành một hiểm hoạ thực sự cho Việt Nam, trong đó có khu vực vùng duyên hải miền Trung. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 của của Bộ TNMT, lượng mưa năm ở miền Trung có xu hướng gia tăng vào giữa và cuối thế kỷ, với mức tăng có thể lên đến 20%. Lượng mưa cực đoan cũng có xu thế gia tăng, với mức tăng có thể lên tới 70% so với thời kỳ nền. Điều này cho thấy các thiên tai có liên quan đến lũ, ngập lụt có xu hướng gia tăng trong tương lai trên mảnh đất này.

Để thỏa sức nghiên cứu về đặc điểm, diễn biến của mưa lũ miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như tìm ra giải pháp thích ứng, hãy tham gia học tập và nghiên cứu tại Khoa Khí tượng Thủy văn và BĐKH của Trường ĐH Tài nguyên và Môi Trường TPHCM nhé.

                                                                                                                                    

Vũ Thị Vân Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 Bản quyền thuộc về Khoa Khí tượng, thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Ghi rõ nguồn "
https://kttvhcm.com" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

Địa chỉ:236B, Lê Văn Sỹ, Phường 1, Tân Bình, TP.HCM. 
Website: www.kttvhcm.com - Email: kttvbdkh@hcmunre.edu.vn - ĐT: 028.39914217
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây