Sáng ngày 6/12/2024, tại Hội trường A Trường ĐH TN&MT TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học "Xây dựng tương quan tổng hợp giữa các yếu tố tác động với nguy cơ sạt lở bờ sông tỉnh An Giang" trong khuôn khổ Đề tài KHCN cấp tỉnh An Giang "Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở do hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền tảng trí tuệ nhân tạo" do TS. Cấn Thu Văn làm chủ nhiệm đề tài.
Tham dự Hội thảo về phía Nhà trường có PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Về phía đại biểu có:
- PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội;
- Đại diện lãnh đạo các Sở Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang;
- Đại diện lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam bộ và Đài KTTV tỉnh An Giang.
Cùng các nhà khoa học, quý vị đại biểu, quý Thầy/Cô và thành viên tham gia thực hiện đề tài.
Là một trong ba đồng bằng lớn nhất trên thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng đồng bằng quan trọng nhất trên thế giới. Nơi đây đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Việt Nam. Tuy nhiên gần hai thập kỷ trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các hoạt động khai thác quá mức của cong người đã làm cho hiện tượng xói lở bờ sông diễn ra ngày một phức tạp và khó lường hơn bao giờ hết. Ở ĐBSCL hiện có khoảng hơn 400 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 900 km và hàng trăm nhà dân bị trôi sông, hàng ngàn hộ dân phải di dời đến nơi ở an toàn.
Trong các tỉnh ở ĐBSCL, tỉnh An Giang là đầu nguồn sông Cửu Long và là tỉnh có cả hai dòng chính là sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Tỉnh có khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông; trong đó, có hơn 5.300 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống cảnh báo, dự báo sớm, tự động nguy cơ sạt lở bờ sông tỉnh An Giang bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói riêng là rất cấp bách và thiết thực.
Thành viên thực hiện đề tài đã trình bày 04 báo cáo tham luận, chia sẻ những kết quả đạt được của đề tài trong năm 2024 về: (i) Cơ sở phương pháp xây dựng mối quan hệ giữa các yếu tố gây sạt lở và khả năng xảy ra sạt lở bờ sông; (ii) Các kết quả nghiên cứu về thủy động lực trong mối tương quan với mức độ sạt lở bờ sông; (iii) Các kết quả phân tích, đánh giá diễn biến đường bờ thông qua ảnh viễn thám; (iv) Huấn luyện máy học để xây dựng cơ sở dữ liệu trong mối tương quan với sạt lở nhằm bước đầu xây dựng phương pháp dự báo sạt lở bờ sông ở các vị trí nghiên cứu thuộc tỉnh An Giang.
Buổi hội thảo diễn ra nhằm mục đích chia sẻ thông tin về đề tài, những kết quả đạt được trong năm 2024. Qua đó nhóm thực hiện đề tài đã nhận được những đóng góp ý kiến, tham vấn khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý để nhóm nghiên cứu và cơ quan chủ trì có thêm thông tin, thêm kinh nghiệm và nhu cầu để cải thiện hơn các kết quả nghiên cứu nhằm hướng tới kết quả tốt hơn cho sản phẩm của đề tài.
Một số hình ảnh buổi Hội thảo.
Tác giả bài viết: Phan Thị Thùy Dương
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn