Khoa khí tượng thủy văn và BĐKH - Trường ĐH TNMT HCM

https://kttvhcm.com


ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN & BIÊN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TRƯỜNG ĐH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TPHCM

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN & BIÊN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TRƯỜNG ĐH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TPHCM

Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3000 km và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Cùng với nguồn tài nguyên quý giá được thiên nhiên ban tặng, hàng năm những thiên tai nặng nề như bão lớn, lũ lụt, hạn hán, mưa rét kéo dài, lũ quét, lốc xoáy... đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và nền kinh tế quốc gia. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới trong hành trình chinh phục thiên nhiên do những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, công tác nghiên cứu về khí tượng, thủy văn ngày càng khẳng định được tầm quan trọng trong sự phát triển KTXH của đất nước.

Khí tượng và khí hậu học là ngành khoa học nghiên cứu các quá trình và các hiện tượng của khí quyển, bao gồm các đặc tính vật lý, hoá học và động lực học khí quyển và những hiệu ứng trực tiếp của khí quyển lên bề mặt trái đất, đại dương và sinh vật thông qua các yếu tố và hiện tượng khí tượng. Việc nghiên cứu khí tượng học giúp con người theo dõi và tìm ra đặc điểm, quy luật khí hậu của các khu vực khác nhau, từ đó đưa ra những dự báo về thời tiết và khí hậu nhằm phục vụ phát triển KTXH.

Thủy văn học là ngành khoa học nghiên cứu về tính chất, sự phân bố, các quy luật hình thành và chuyển động của nước trên Trái đất, cũng như các mối quan hệ tương tác về vật lý và hoá học của nước với phần còn lại của Trái đất. Các kiến thức về thủy văn học được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau như: Thiết kế và vận hành các công trình thủy lợi; cấp thoát nước đô thị; sản xuất năng lượng thủy điện; phòng chống thiên tai; giao thông; quản lý môi trường...

Với bề dày kinh nghiệm 40 năm, Khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM là cơ sở duy nhất ở phía nam đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học trong các lĩnh vực Khí tượng và Thủy văn, cung cấp đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho Bộ Tài nguyên Môi trường nói riêng và xã hội nói chung. Khoa có đội ngũ cán bộ giảng viên trình độ cao và nhiệt huyết cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu đẩy đủ, bao gồm 2 phòng thực hành, 1 phòng dự báo khí tượng thủy văn, 1 vườn thực hành khí tượng, 1 trạm thực hành khí tượng thủy văn trên sông ở Tà Lài, Đồng Nai cùng với những máy móc, trang thiết bị hiện đại. Sinh viên học xong ngành này có thể làm việc tại các cơ quan thuộc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, các viện nghiên cứu khí tượng thủy văn và môi trường, các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tại các tỉnh, các đơn vị, công ty thiết kế, xây dựng công trình thủy, trung tâm khí tượng tại các sân bay, các Sở tài nguyên môi trường các tỉnh...

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu trái đất bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo, với biểu hiện điển hình là sự gia tăng về nhiệt độ trung bình toàn cầu dẫn đến băng tan ở 2 cực của trái đất làm cho mực nước biển dâng lên. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trên thế giới, các minh chứng về biến đổi khí hậu đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong các thập kỷ gần đây, gây ra tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, làm cho thiên tai, thảm hoạ, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần ngày càng gia tăng về tần suất… Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiên Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Bộ, ngành và địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài của biến đổi khí hậu; nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau…

Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM mở ngành đào tạo “Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững” năm 2015 trực thuộc Khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với tư duy và cách tiếp cận liên ngành nhằm đáp ứng được nhu cầu của các sở ban ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia về biến đổi khí hậu; tích hợp biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH và phát triển địa phương. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các bộ, sở, ban ngành về khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường… ở trung ương và địa phương; các viện nghiên cứu, công ty sản xuất, tư vấn liên quan đến đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, kinh tế, xã hội...; các tổ chức quốc tế, phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
 

Một số hoạt động của sinh viên khoa Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trong quá trình học tập.

  

SV tham quan nhận thức tại Hồ thủy điện Trị An

 


 Sinh viên ngành Khí tượng thực tập đo đạc khí tượng tại Trạm Khí tượng Thủy văn Nhà Bè TPHCM:

 

Sinh viên ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững thăm quan Công ty Phong Điện Thuận Bình. Đây là Công ty khai thác năng lượng từ gió, nguồn năng lượng tái tạo không phát thải khí nhà kính:

Sinh viên ngành Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững thăm quan Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân để thấy được tác hại của nhà máy trong việc phát thải khí nhà kính:

Sinh viên ngành Khí tượng Thủy văn bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng:

Sinh viên ngành Khí tượng Thủy văn nhận bằng tốt nghiệp:

 

Tổng hợp và viết bài: Vân Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây