Khoa khí tượng thủy văn và BĐKH - Trường ĐH TNMT HCM

http://kttvhcm.com


NGUỒN NƯỚC TRÊN SÔNG LAN THƯƠNG – MÊ CÔNG ĐANG TRỞ THÀNH “VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC”

NGUỒN NƯỚC TRÊN SÔNG LAN THƯƠNG – MÊ CÔNG ĐANG TRỞ THÀNH “VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC”

Ảnh: Bloomberg

Thông thường, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, lũ đầu mùa bắt đầu tràn về khắp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dòng nước đỏ đục ngầu từ thượng nguồn sông Mê Công bắt đầu đổ về các vùng đầu nguồn như Tân Châu, Châu Đốc, từ đây sẽ len lỏi theo các sông nhánh tràn lên các cánh đồng lúa mênh mông vừa được thu hoạch, mang theo phù sa, cá tôm và các loài đặc sản. Cư dân các tỉnh ĐBSCL lại hối hả xả nước tràn đồng hay giăng lưới, thả câu, đặt lọp... đánh bắt hải sản. Thế mà năm nay, các tuyến kênh cạn khô, đồng ruộng nứt nẻ, xuồng ghe nằm bờ, các loại ngư cụ treo lơ lửng dưới sàn nhà. Khô hạn bủa vây, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, các nguồn thủy hải sản cạn kiệt, không có nước, phù sa để trồng trọt, hàng ngàn hộ gia đình nơi đây mất đi nguồn sinh kế, phải đóng cửa bỏ xứ đi tìm kế mưu sinh...

Tại các trạm Tân Châu trên sông Tiền và Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước lũ ở mức thấp nhất trong cùng thời kỳ 10 năm trở lại đây, thậm chí còn thấp hơn cả năm mất lũ 2015. Nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm nguồn nước sông Mê Công là do hạn hán, lượng mưa ít kết hợp với việc giảm lượng nước xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc), đồng thời là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi (Lào).

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH của Việt Nam

Sông Mê Công bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 5.000 m, có chiều dài 4.909 km, đứng thứ 12 thế giới, thứ 7 châu Á với tổng diện tích lưu vực khoảng 795.000 km2. Tổng lượng nước sông Mekong hàng năm khoảng 475 triệu m3, đứng thứ 10 trên thế giới, với lưu lượng trung bình vào mua lũ có thể lên tới 30.000 m3/s. Sông Mê Công gồm 3 đoạn chính: đoạn sông Lan Thương, đoạn sông Mê Công và đoạn sông Cửu Long. Lan Thương là đoạn sông Mê Công trên đất Trung Quốc với nhánh đầu nguồn bên tả ngạn từ vùng núi Tây Tạng ở độ cao hơn 5.000 m, nhánh đầu nguồn bên hữu ngạn từ vùng núi Thanh Hải ở độ cao hơn 6.000 m. Sông Mê Công chảy vào Việt Nam được chia thành 2 nhánh chính là Sông Tiền và Sông Hậu, từ đó chia ra thành nhiều nhánh nhỏ đổ ra biến Đông, tạo ra Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). ĐBSCL có diện tích trên 40.000 km2, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, có ranh giới tây bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia, phía đông bắc là sông Vàm Cỏ Đông, phía đông nam là Biển Đông và tây nam là Vịnh Thái Lan. ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương.

Hình 1. Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tổng số dân khoảng 17,5 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước. Đất trồng lúa chiếm khoảng 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước ... Sự màu mỡ, trù phú của ĐBSCL đã mang đến cuộc sống và sinh kế cho hàng chục triệu người dân và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đối với vùng ĐBSCL, nước từ sông Mê Công là nguồn cung cấp cho các đô thị và nông thôn rộng lớn; nuôi sống hệ thống kênh rạch và các dòng sông đổ ra biển qua 9 cửa rồng; cấp nước cho các ngành kinh tế nhất là nông nghiệp với hàng triệu ha gieo trồng; là môi trường di cư của các loài cá kinh tế và cả quý hiếm; đẩy lùi xâm nhập mặn trên diện rộng; tạo ra đời sống no đủ cho hàng chục triệu người Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải gặp nhiều mối đe dọa, trong đó mối lo ngại lớn nhất là tốc độ mở rộng đập thủy điện ở thượng nguồn.

Đập thủy điện ở thượng lưu – Mối đe dọa lớn đối với ĐBSCL

Trên dòng chính sông Mê Công đã quy hoạch hơn 19 công trình sử dụng nước, xây dựng đập thủy điện lớn. Trong đó ở Trung Quốc có 6 đập đã hoàn thành đi vào vận hành, 1 đập đang xây, 2 trong quy hoạch. Tại Lào có 2 đập sắp hoàn thành, 1 đập đang xây dựng, 2 đập đã nghiên cứu tiền khả thi, 4 đập trong quy hoạch. Tại Campuchia có 2 thủy điện lớn trong quy hoạch. Ngoài ra còn có hàng chục hồ đập thủy điện trên các phụ lưu của Mê Công trên lãnh thổ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Hình 2. Bậc thang thủy điện đã, đang và dự kiến xây dựng trên dòng sông Mê Công, Ảnh: International Rivers.

Hệ thống đập thủy điện và công trình khai thác nước trên sông Mê Công đã và đang gây ra những hậu quả đối với vùng ĐBSCL. Theo nhận định của Ủy hội sông Mê Công (MRC), khi cả chuỗi thủy điện trên dòng chính sông Mê Công gồm 8 của Trung Quốc và 3 của Lào cùng đi vào vận hành thì tổng lượng nước Mê Công sẽ giảm 27%/ tháng và xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu vào sâu thêm 10-18km so với hiện nay (vượt quá Mỹ Tho và Cần Thơ). ĐBSCL hình thành cách đây 6.000 năm, mỗi năm phù sa Mê Công bồi đắp, mở rộng ĐBSCL về phía Đông khoảng 26m, về phía mũi Cà Mau 16m. Nhưng trong thời gian 20 năm gần đây sạt lở bờ biển gia tăng, có nơi bờ lùi, biển tiến vào nội đồng hơn 50m. Vào năm 1994 sông Mê Công cung cấp lượng phù sa lên đến 160 triệu tấn/năm ra khu vực cửa biển, nhưng đến năm 2014 chỉ còn lại 75 triệu tấn/năm. Thời kỳ 1979- 1982, hàm lượng phù sa lơ lửng của Mê Công vào sông Hậu tại Châu Đốc vào mùa lũ bình quân 250g/m3 và sông Tiền tại Tân Châu là 550g/m3, tuy nhiên đến thời kỳ 2009-2015, các con số này chỉ còn lại 200g/m3 và 300g/m3. Sau khi xây dựng, các đập thủy điện của Trung Quốc phía thượng nguồn sẽ giữ lại khoảng 50% lượng phù sa, và nếu các con đập phía hạ lưu sông Mê Công được xây dựng thì có thêm khoảng 25% lượng phù sa nữa bị ngăn lại. Như vậy, lượng phù sa vào vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ giảm đáng kể, từ 26 triệu tấn/năm chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm.

Không chỉ ở trước mắt, việc xây dựng hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn còn tác động lâu dài đến ĐBSCL, bao gồm là thay đổi chế độ thủy văn sông Mê Công; giảm lượng nước đổ về hạ du; tương tác sông biển với ưu thế của biển và hệ lụy xâm nhập mặn; thiếu nước ngọt cho các ngành kinh tế và cây trồng; thay đổi hệ sinh thái cửa sông ven biển; hệ sinh thái nước ngọt dần bị thay thế bởi hệ sinh thái nước mặn lợ; sự sống ở ĐBSCL dần thay đổi. Ngoài ra, rủi ro vỡ đập do lũ đột biến trong mối liên quan với biến đổi khí hậu, rủi ro do chất lượng xây dựng kém của thủy điện, rủi ro do động đất...

Nước trở thành “vũ khí chiến lược”

Tổng khối lượng nước của hệ thống hồ chứa trên dòng Lan Thương chiếm 50% lượng nước của Mê Công, khoảng 237,5 tỷ m3/năm. Trên khoảng dài 600km dọc sông Lan Thương đã hình thành hệ thống bậc thang thác nước từ Bắc xuống Nam cao lần lượt là: 140 - 105 - 292 - 132 - 118 - 262 - 107 m tại các vị trí có cao độ: 1.300 - 1.000 - 812 m. Tổng dung tích của 5 hồ Thủy điện lớn là 39,269 tỷ m3, do vậy cùng lúc có thể tạo ra một động năng lớn, với sức tàn phá kinh khủng. Sông Lan Thương có khối lượng nước lớn, trắc diện hinh chữ V, lòng sông hẹp, độ dốc lớn sẽ sinh ra vận tốc dòng chảy lớn, theo đó động năng dòng nước sẽ lớn, có sức công phá mạnh những vật cản trên sông. Vấn đề đặt ra là: trong một thời điểm nào đó, cần có một sự trao đổi hoặc ép buộc về mặt chính trị nào đó, liệu quốc gia phía thượng lưu có ý đồ xấu lợi dụng dòng nước Lan Thương để gây ngập lụt, hoặc tạo hạn hán ở vùng ĐBSCL hay không? Tính chiến lược của vũ khí nước là đây!

Thủy điện trên sông Lan Thương quyết định vận mệnh của ĐBSCL. Thủy điện thượng lưu có thể vận hành:
(i) Xả nước để gây ngập lụt và làm “chết đuối” hiệu quả nhất vào mùa mưa;
(ii) Tích nước để gây hạn hán và gây “chết khát”, cuối cùng là “chết đói” ở ĐBSCL, hiệu quả nhất vào mùa khô.
Tính chiến lược đa năng của vũ khí nước là đây! Những năm nước lớn, lượng nước đổ về ĐBSCL: Mùa kiệt 92,8 tỷ m3, mùa lũ 388 tỷ m3; Những năm nước thấp, lượng nước đổ về ĐBSCL: Mùa kiệt 79,8 tỷ m3, mùa lũ 326 tỷ m3. Riêng dung tích của 2 hồ chứa thủy điện ở cuối dòng Lan Thương (Cảnh Hồng + Nọa Trát Độ) là 22 tỷ m3 nước. Thừa nước để điều tiết lượng nước chiến lược về ĐBSCL với 2 kịch bản:
(i) Vào mùa mưa, với chiêu thức “tát nước theo mưa”, thủy điện trên sông Lan Thương xả lũ, gây ngập lụt sâu, rộng, làm cho ĐBSCL chết trôi, chết chìm;
(ii) Vào mùa kiệt, với chiêu bài “dừng phát điện để bảo trì nhà máy”, không cho nước về xuôi, gây ra hạn hán khốc liệt, làm cho ĐBSCL chết khô, chết khát và lâm vào cảnh bi đát.

Tóm lại, ngày càng rõ nét rằng Việt Nam đang trong tình cảnh bị sức ép rất to lớn từ 2 phía: Phía Đông là nguy cơ chiến tranh nóng với bàn đạp là Biển Đông cùng các loại vũ khí hiện đại, gây ra chết người hàng lọat trong khoảnh khắc; Phía Tây là chiến tranh nguội với bàn đạp là dòng Mê Công và vũ khí chiến lược là nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày nay, chiến tranh nóng rất ít khả năng xảy ra. Ngược lại, chiến tranh nguội từ dòng nước Lan Thương phía Tây có khả năng diễn ra với xác suất lớn, vì rằng đây là cuộc chiến âm thầm, lặng lẽ, gây ra cái chết dần dần, nhưng hệ lụy sẽ là thảm họa về xã hội và môi trường đối với ĐBSCL. Năm 2019, một năm khó khăn lại cảnh báo về trên mảnh đất ĐBSCL. Sẽ còn bao nhiêu năm như thế này nữa khi mà sinh kế của hàng chục triệu người dân nơi đây phụ thuộc vào dòng nước sông Mê Công. Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp và kế sách tổng thể mang tầm chiến lược để đối phó với chiến tranh nguội và ứng cứu cho đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo phát triển bền vững vùng đất rộng lớn, giàu tài nguyên này.

 

Tác giả: TS. Cấn Thu Văn – GS. Đặng Trung Thuận

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây