Nguồn nhân lực BĐKH đang thiếu hụt

Thứ sáu - 03/05/2019 11:09

Ngày đăng: 27/08/2014 , Nguồn kttvqg.gov.vn

Nguồn nhân lực giúp Chính phủ triển khai hiệu quả những dự án, đề án tầm cỡ ứng phó BĐKH cũng như thực thi những nhiệm vụ cụ thể tại địa phương đang quá hiếm…

Nhân lực “nhặt” – giải pháp tình thế!

BĐKH bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trước nhưng thực tế đi vào đời sống chính trị, xã hội mới khoảng 5 - 6 năm nay. Song từ khi cụm từ BĐKH đi vào đời sống cũng là lúc những biểu hiện của nó trong đời sống xã hội Việt Nam ngày một sâu sắc với nhiều thảm họa thiên tai xảy ra như: Nước biển dâng, đất nhiễm mặn, bão hình thành bất thường, ngập úng, triều cường triền miên và cao hơn mức trung bình hàng năm, sạt lở và thoái hóa đất…

Để tích cực triển khai những hoạt động ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nằm trong các chương trình, dự án, đề án song theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, đây vẫn đang là giải pháp tình thế, thiếu tính chủ động. Ví dụ như để hạn chế ngập lụt, nước dâng thì đắp đê, làm cống hay xây trạm bơm. Đây là giải pháp mang tính đối phó, thụ động, và hiệu quả ngắn hạn, đến một lúc nào đó sẽ vượt xa khỏi khả năng của chúng ta vì  không thể cứ nâng cao triền đê hay hệ thống tiêu thoát, nâng cấp công suất tiêu thoát nước...

Các chuyên gia cũng cho rằng, để triển khai hoạt động ứng phó BĐKH một cách bài bản, chuyên nghiệp và dựa vào nghiên cứu khoa học để thực hiện, rất cần một đội ngũ có chuyên môn cao về nhiệm vụ ứng phó BĐKH. Nguồn nhân lực này không chỉ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các hoạt động ứng phó với BĐKH, có thêm cơ hội nhận hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ quốc tế, nâng cao năng lực đàm phán, từ đó giúp khẳng định vị thế và bảo về quyền lợi cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Thành - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường), hiện nguồn nhân lực cho công việc này đang thiếu hụt nghiêm trọng. Chúng ta đang phải tận dụng nguồn nhân lực từ nhiều ngành khác nhau. Họ phải kiêm nhiệm các hoạt động từ quản lý tới thực hiện các hoạt động liên quan tới BĐKH. Nhân lực còn thiếu ở nhiều cấp, chưa nhận thức, xác định đầy đủ bản chất, tác động tiềm tàng của BĐKH để giải quyết trực tiếp những vấn đề về BĐKH.

Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này là do hiện Việt Nam chưa có trường  đào tạo nguồn nhân lực này ở trình độ đại học. ĐH TNMT được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên, môi trường ở bậc ĐH, nhưng cũng mới  đang trong giai đoạn chuẩn bị đội ngũ giảng viên cho mở ngành đào tạo nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu với một Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững. Chính vì vậy, khi cần nhân lực, tất cả đều dựa vào đào tạo quốc tế và các chiến dịch truyền thông, nâng cao năng lực mà đối tượng đi học lại được “nhặt” từ các cán bộ chuyên ngành KTTV hay một số các chuyên ngành khác có liên quan đi học mà thôi.

Đã đến lúc đi vào “quy chuẩn”

Nguồn nhân lực không tương xứng với vấn đề có tính chất toàn cầu như ứng phó với BĐKH thực sự sẽ gây ra những rào cản nhất định, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công việc cũng như đảm bảo sự thành công của các đề án, dự án, các chương trình quốc gia và đặc biệt là kế hoạch hành động của từng địa phương. Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH đang được nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm. Ví như, tại Trung Quốc đã hình thành một nhóm chuyên gia nòng cốt về BĐKH với các chuyên ngành khác nhau như: Kinh tế, khoa học xã hội, năng lượng, khí tượng - khí hậu, sinh thái, môi trường…. Hiện có hơn 1.000 nhà nghiên cứu và các chuyên gia đang làm việc trong các lĩnh khoa học và ứng dụng của BĐKH.

Tại một số nước đã thành lập các Viện Nghiên cứu BĐKH quốc gia. Họ cũng có các khóa học đào tạo về BĐKH và đưa vấn đề BĐKH vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học và cao đẳng. Các trung tâm dịch vụ kỹ thuật về cơ chế phát triển sạch cấp tỉnh cũng được xây dựng.

Để cùng hỗ trợ về kiến thức chuyên môn cho các quốc gia khác chưa có ngành đào,  nhiều nước trên thế giới cũng có nhiều chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ thực hiện nhằm nâng cao năng lực về BĐKH như: Chương trình nâng cao năng lực của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID); nhiệm vụ của chương trình BĐKH của Viện Nghiên cứu và Đào tạo của LHQ, hay như Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) đã triển khai chương trình nâng cao năng lực liên quan đến BĐKH cho các nước đang phát triển…

Bởi vậy, theo đề xuất của các chuyên gia, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ứng phó với BĐKH ngoài việc cần có chương trình đạo tạo chất lượng cao cho các ngành, các địa phương thì chúng ta phải có thêm kinh nghiệm tham gia các diễn đàn quốc tế, đàm phán quốc tế và tận dụng các cơ hội quốc tế về đạo tạo nâng cao nguồn nhân lực. Thông qua việc tham gia đàm phán và các hoạt động hợp tác quốc tế, một số chuyên gia đã được cung cấp đầy đủ các kiến thức khoa học cũng như làm quen với các cơ chế đàm phán khoa học.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa loại hình đào tạo, phát triển hướng đào tạo chính quy ở các trường đại học, xây dựng và hoàn thiện các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo về BĐKH. Chúng ta cũng cần đa dạng hóa các viện nghiên cứu về BĐKH, tổ chức các khoa tập huấn, đào tạo ngắn hạn, nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý kiến thức về BĐKH cũng như tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng.

Ngoài ra, cũng cần phải thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu (ở trung ương, địa phương, theo các chuyên môn liên quan, kiến thức bổ sung), xây dựng mới, điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách chế độ đào tạo và bồi dưỡng về BĐKH.

Minh Vũ

Nguồn: TN&MT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

 Bản quyền thuộc về Khoa Khí tượng, thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Ghi rõ nguồn "
https://kttvhcm.com" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.

Địa chỉ:236B, Lê Văn Sỹ, Phường 1, Tân Bình, TP.HCM. 
Website: www.kttvhcm.com - Email: kttvbdkh@hcmunre.edu.vn - ĐT: 028.39914217
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây